Tổng hợp các LỄ HỘI DÂN GIAN TẠI BÌNH ĐỊNH


5/5 - (32700 bình chọn)

Bình Định ngoài phong cảnh thiên nhiên hoang sơ cùng hệ sinh thái biển đảo hùng vĩ thì nền văn hóa lịch sử vô cùng đa dạng đặc biệt là các Lễ hội dân gian và nghệ thuật truyền thống của người Bình Định.

Quy Nhơn Tourist sẽ chia sẻ và tổng hợp các bạn các lễ hội dân gian đặc sắc tại Bình Định.

1. Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn

Đây là lễ hội lớn để tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh đuổi 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi (năm 1789). Lễ hội được tổ chức trọng thể, hoành tráng vào ngày mùng 4 và mùng 5 tháng Giêng Âm Lịch hàng năm tại thị trấn Phú Phong - huyện Tây Sơn.

Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn luôn thu hút hàng nghìn khách tham gia

Ngoài nghi lễ truyền thống, trong lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: Biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, các trò chơi dân gian, hát Bội… thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền đến tham dự.

Xem thêm: Tour Tây Sơn - Hầm Hô 1 ngày

2. Lễ hội Chợ Gò

Tổ chức vào ngày mùng 1 tết Âm lịch ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Đây chủ yếu là họp chợ, mua bán đầu năm lấy may mắn cho cả năm. Nhưng việc mua bán chỉ tượng trưng, đi hội vui là chính. Trai gái đi hội chợ Gò chen chân, liếc mắt để tìm bạn tình. Tuổi thiếu niên rủng rỉnh tiền lì xì thì đi mua đồ chơi, đồ ăn thức uống. Người có tuổi tham dự các môn cờ tướng, đá gà…

Khai mạc Lễ hội Chợ Gò luôn diễn ra hoành tráng

Lễ hội chợ Gò có cách nay khoảng trên dưới 300 năm. Tương truyền, hai vị tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy quân đóng tại khu vực này, đã cho mở hội chợ Gò để quân sĩ cùng nhân dân vui chơi cho vơi đi nỗi nhớ gia đình trong những ngày tết.

Toàn cảnh Lễ hội Chợ Gò - Tuy Phước - Bình Định

Lễ hội chợ Gò ngày nay được nâng lên bước mới: có phần lễ trang trọng và phần hội vui tươi. Các trò chơi dân gian được tổ chức như: Múa lân, chọi gà, cờ tướng, đá cầu, đập niêu, kéo co…

3. Lễ hội đua thuyền

Xong hội Chợ Gò, ngay ngày hôm sau Mồng 2 tết du khách có thể đến với hội đua thuyền ở Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, quê ngoại của nhà thơ Xuân Diệu. Gò Bồi có sông Gò Bồi, có cửa thông ra Đầm Thị Nại. Trai gái đội đua thuyền của các thôn trong xã và cả các xã bạn cùng đến thi tài trên sóng nước bằng những chiếc thuyền thúng, thuyền rồng tập thể lao vun vút giữa tiếng reo hò, cổ vũ của hàng ngàn công chúng đôi bờ… góp phần cho ngày tết cổ truyền thêm vui ở miền quê vùng sông nước.

Lễ khai mạc đua thuyền tại Gò Bồi - Tuy Phước - Bình Định

Ngày nay, lễ hội đua thuyền còn mang tính chất là phong trào rèn luyện sức dẻo dai phục vụ đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy sản của ngư dân trong vùng.

Lễ hội đua thuyền tại Bình Định luôn diễn ra sôi nổi

4. Lễ hội Đổ Giàn

Vào ngày rằm tháng 7 các năm Tỵ, Dậu, Sửu, người dân thị xã An Nhơn và các huyện lân cận thường đổ về Làng An Thái, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định để dự lễ Vu Lan, xem hát Bội và những cuộc thi tài.

Lễ cúng của lễ hội Đổ Giàn Bình Định

Tuy nhiên, trong toàn bộ lễ hội, hấp dẫn và cuốn hút nhiều người là hội xô cỗ (người Việt gọi là Xô Giàn, về sau gọi là Đổ Giàn). Người ta thiết lập một cái đàn cúng cao, trên đó người ta đặt đàn cúng thần gồm: hương, hoa, trà, quả, cỗ gạo, bánh và đặc biệt là cỗ heo quay nặng khoảng độ vài mươi ký. Sau những nghi thức cúng lễ cổ truyền, vị chủ tế tuyên bố xô giàn, cho phép cuộc tranh tài bắt đầu. Các võ đường cùng nhau tìm thế tranh lấy con heo. Sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang con heo chạy về địa điểm an toàn đã định. Tất nhiên, mỗi nhóm tranh tài đã có phân công người bảo vệ, cản ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại ngay trên tay. Theo tục lệ, chú heo quay chiến lợi phẩm sẽ được đem xẻ ra để khao chung cho tất cả những võ sĩ cùng có mặt trong cuộc tranh tài. Những võ sĩ, hay làng võ có người giành được phần thắng được mọi người hoan nghênh và nể trọng và họ tin rằng năm ấy họ sẽ gặp may vì được lộc của thần

Lễ hội Đổ Giàn An Thái luôn thu hút nhiều người tham gia

Hội Đổ Giàn không phải chỉ một mình Bình Định có nhưng Hội Đổ Giàn của An Thái bao giờ cũng thu hút người tham dự đông nhất và nghi thức xô cỗ đổ giàn của An Thái cũng được xem trọng nhất.

5. Lễ hội Cầu Ngư

Cầu Ngư là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với cuộc sống của cư dân ven biển từ Quảng Bình đến Nam Bộ. Xuất phát từ cuộc sống lênh đênh sóng gió, luôn phải đối chọi với bão tố, phong ba bằng những phương tiện thô sơ thiếu thốn, người dân vùng biển đành phải tin vào cõi thần linh.

Hằng năm, họ tổ chức lễ cầu ngư, cúng Ông Nam Hải hay cá voi để cầu xin cho trời yên biển lặng, tàu thuyền ra khơi vào lộng được nhiều tôm cá. Ở Bình Định, lễ hội cầu ngư có hầu hết các vùng ven biển ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP. Quy Nhơn và thường được tổ chức từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch.

Lễ Cầu Ngư của người dân Đề Gi - Phù Cát - Bình Định

Theo thông lệ, lễ hội diễn ra trong thời gian 03 ngày đêm. Ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ cúng trần thiết bài vị, rồi tiến hành nghi lễ nghinh thần, lễ an thần. Ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần. Ngày thứ ba là phần hội gồm có: Chèo bả trạo, hội xây chầu hát bội, hát dân ca và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển…

Lễ cầu ngư của người dân Nhơn Hải - Quy Nhơn - Bình Định

Lễ hội cầu ngư góp phần giải tỏa, điều tiết đời sống tâm lý, tinh thân của cá nhân và cộng động ngư dân, là dịp để ngư dân thư giãn, tạo lập thế cân bằng trong đời sống tinh thần sau một năm đánh bắt vất vả, cực nhọc. Các sinh hoạt văn hóa trong lễ hội đã đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt mới. Mặt khác, đây còn là dịp để cộng đồng tri ân với thần linh, với thế hệ tiền nhân đi trước, những người có công trong việc phát triển nghề cá, đồng thời là dịp hội ngộ bằng hữu xóm làng.

6. Lễ hội Đô Thị Nước Mặn

Lễ hội Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời rất sớm ở Bình Định. Khoảng 400 năm trước, khu vực thôn An Hòa là cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất. Người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiên di cư sang mở phố buôn bán. Lễ hội Nước Mặn ra đời và được tổ chức vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt - Hoa khi biên giới Đại Việt mới tới núi Đá Bia (Đèo Cả - Phú Yên), và cứ thế duy trì, phát triển, thăng trầm theo nhịp sống của cảng thị này.

Khai mạc lễ hội Nước Mặn sôi nổi và hoành tráng

Lễ hội được tổ chức từ mồng 1 - 3 tháng 2 Âm lịch hàng năm tại Chùa Bà, thôn An Hòa, Xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Lễ hội Đô thị Nước Mặn đã được ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Như vậy, Quy Nhơn Tourist đã giới thiệu đến các bạn những lễ hội dân gian đặc sắc nhất tại Bình Định. Hãy xách balo lên và đến với mảnh đất võ trời văn Quy Nhơn - Bình Định các bạn nhé, còn rất nhiều điểm đặc sắc đang chờ các bạn.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết

Xem thêm: Các Tour du lịch Quy Nhơn 1 ngày tại Quy Nhơn Tourist

Nguồn: Sở du lịch Bình Định

Hãy Gọi Ngay 0979 53 59 59 (Hotline) để được Tư Vấn Trực Tiếp và nhận được NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH ƯU ĐÃI chỉ có ở Quy Nhơn Tourist.

Tags:

Đánh giá:
5/5 - (32700 bình chọn)